Thị trường đầu ngày thứ Sáu không ổn định, mặc dù Trung Quốc công bố số liệu tích cực về doanh số bán lẻ và tăng trưởng GDP. Tin tức về thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas, cùng với dữ liệu bán lẻ yếu kém và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ngày càng nhiều tại Mỹ, khiến tâm lý thị trường trở nên trái chiều. Tuy nhiên, các nhận định "diều hâu" từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed), lo ngại về chiến tranh thương mại, và sự thận trọng trước lễ nhậm chức của Donald Trump vào thứ Hai có thể làm thị trường kém khả quan. Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh những thách thức kinh tế toàn cầu từ các chính sách thương mại mới, căng thẳng địa chính trị, biến đổi khí hậu và lạm phát, dù vẫn giữ dự báo tăng trưởng ở mức 2,7% cho các năm 2025 và 2026.
Trong bối cảnh này, Chỉ số USD (DXY) rơi xuống mức thấp nhất trong tuần sau chuỗi giảm bốn ngày, trong khi vàng dao động gần vùng kháng cự, chuẩn bị ghi nhận tuần tăng thứ ba liên tiếp. Bên cạnh đó, EUR/USD và GBP/USD được hỗ trợ bởi đồng USD yếu, nhưng đà tăng có phần chững lại, trong khi USD/JPY sắp ghi nhận mức giảm lớn nhất trong bảy tuần. Ngoài ra, AUD/USD và NZD/USD giữ vững đà tăng, còn USD/CAD chật vật thu hẹp các khoản lỗ trong tuần. Cuối cùng, dầu thô và tiền điện tử chuẩn bị kết thúc tuần trong sắc xanh dù giảm nhẹ phiên trước, trong khi chứng khoán tiếp tục trượt dốc.
Mặc dù đồng USD giảm giá do dữ liệu yếu và tâm lý thận trọng, EUR/USD và GBP/USD vẫn gặp khó khăn vì những tín hiệu kinh tế tiêu cực từ châu Âu và Anh. Nỗi lo về khả năng suy thoái đình trệ tại Đức, bất ổn chính trị ở khu vực đồng Euro, và các nhận định không nhất quán từ ECB khiến EUR/USD khó hồi phục. Trong khi đó, các số liệu kém khả quan từ Anh và nghi ngại về tính bền vững của chính sách kinh tế mới của chính phủ Anh tiếp tục gây áp lực lên GBP/USD.
Trái lại, USD/JPY sắp ghi nhận tuần giảm mạnh nhất trong bảy tuần do dữ liệu mới từ Nhật Bản làm tăng kỳ vọng về một đợt nâng lãi suất từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). Lo ngại rằng chính phủ Nhật có thể can thiệp để bảo vệ đồng yên cũng khiến cặp tiền này chịu thêm sức ép.
Đồng USD suy yếu đã hỗ trợ AUD/USD và NZD/USD, đồng thời gây áp lực lên USD/CAD. Tuy nhiên, các đồng tiền này gặp khó khăn trong việc duy trì đà tăng so với USD. Lí do bởi những nghi ngờ xoay quanh số liệu mạnh mẽ từ Trung Quốc và kỳ vọng nới lỏng chính sách tiền tệ từ ngân hàng trung ương các nước này vẫn còn cao.
Giá vàng dao động quanh vùng kháng cự $2.710-20, nhưng dự kiến sẽ hoàn tất chuỗi tăng ba tuần liên tiếp. Nhà đầu tư tập trung vào dữ liệu trái chiều từ Mỹ, đồng USD yếu, thống kê tích cực từ Trung Quốc, và các tin tức rủi ro đan xen trước lễ nhậm chức của Trump vào thứ Hai.
Thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza khiến giá dầu thô Mỹ ghi nhận mức giảm lớn nhất trong hai tháng ở phiên trước. Tuy nhiên, đồng USD yếu và dữ liệu kinh tế khả quan từ Trung Quốc đã hỗ trợ giá dầu phục hồi, hướng tới tuần tăng giá.
Trong khi đó, Bitcoin (BTC/USD) và Ethereum (ETH/USD) cũng đang trên đà tăng trong tuần dù có sự điều chỉnh giảm nhẹ phiên trước. Hai loại tiền điện tử này phản ứng tích cực với tuyên bố từ chính quyền Trump rằng tiền mã hóa sẽ được xem là “ưu tiên quốc gia” khi ông chính thức nhậm chức.
Sau những biến động gần đây, thị trường tài chính được kỳ vọng sẽ yên ắng hơn trước kỳ nghỉ lễ tại Mỹ vào thứ Hai và lễ nhậm chức của Trump. Lịch kinh tế ảm đạm có thể hạn chế động lực giao dịch, mặc dù nhà đầu tư vẫn sẽ theo dõi sát sao dữ liệu lạm phát được điều chỉnh của khu vực Eurozone cùng với số liệu về nhà ở và sản xuất công nghiệp của Mỹ.
Việc đồng USD phục hồi dường như khó xảy ra, điều này có thể giúp giá vàng vượt qua ngưỡng kháng cự quan trọng. Trong khi đó, các đồng tiền chính, tiền hàng hóa có khả năng tiếp tục xu hướng hiện tại, còn tiền điện tử và chứng khoán có thể thiếu động lực.
Chúc Quý nhà đầu tư giao dịch may mắn!