Tại sao các chỉ số kinh tế lại hữu ích cho quá trình giao dịch?
Nhìn chung, chỉ số kinh tế rất quan trọng do ngân hàng trung ương của các quốc gia sử dụng chúng như một công cụ để nắm bắt và đo lường "sức khỏe kinh tế" hiện tại của một quốc gia.
Các ngân hàng trung ương phát triển chính sách tiền tệ của một quốc gia và chịu trách nhiệm đồng thời kiểm soát lãi suất, tiền tệ và lượng cung tiền tệ đang được lưu hành của quốc gia tương ứng.
Do đó, các chỉ số kinh tế rất quan trọng đối với nhà giao dịch vì chúng có thể bật mí phần nào viễn cảnh tương lai nền kinh tế của các quốc gia sẽ hướng tới, cũng như các lĩnh vực mà trader có thể muốn xem xét đầu tư vào đấy.
Thông thường thì một sự thay đổi lớn trong chính sách tiền tệ sẽ có tác động đáng kể lên thị trường, bởi lẽ nhiều nhà giao dịch sẽ đua nhau đầu tư mạnh mẽ, hoặc có thể rút vốn để bảo vệ khoản đầu tư của họ.
Top các Chỉ số Kinh tế Hàng đầu Ứng dụng trong Giao dịch
CPI
Chỉ số CPI là một số liệu kinh tế được sử dụng để đo lường những thay đổi trong mức giá trung bình của hàng hóa và dịch vụ được sản xuất bởi một nền kinh tế. Chỉ số CPI có thể cho ta biết chi phí giỏ hàng hóa trung bình năm hiện tại và năm trước là bao nhiêu.
Chỉ số này cung cấp cơ sở để so sánh, và cho biết liệu hàng hóa và dịch vụ có đang bị lạm phát hoặc giảm phát hay không. CPI đôi khi còn được gọi là "mức phí sinh hoạt", và thường được sử dụng làm phương pháp đo lường lạm phát.
Các thông số CPI có khả năng chỉ ra tất cả mọi thứ cần thiết cho các nhà giao dịch chuyên nghiệp và có thể gợi ý danh mục đầu tư trong tương lai. Đặc biệt, lạm phát và giảm phát có thể cho bạn biết nền kinh tế nào đang tốt nhất để đầu tư vào một thời điểm nhất định.
GDP
GDP là tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ được sản xuất bởi một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định. Chỉ số kinh tế này là một chỉ dẫn rất rõ ràng về hoạt động của một nền kinh tế trong một thời kỳ cụ thể.
GDP kết hợp chi tiêu ngân sách của chính phủ, các khoản đầu tư kinh doanh, giá trị xuất khẩu ròng và tiêu dùng cá nhân (tức chi tiêu của người tiêu dùng) để tính ra thông số GDP tổng thể.
Nói một cách vĩ mô, tăng trưởng GDP là một tín hiệu tích cực, đặc biệt là đối với nhà đầu tư và trader. Nhưng cơ hội thật sự lý tưởng là khi chỉ số này tăng giảm từ từ. Nếu thông số này đột ngột tăng quá cao theo một hướng nhất định, thì điều này có thể gây bất lợi cho nền kinh tế nói chung.
Ngoài ra, số liệu "GDP thực tế" cho phép các nhà giao dịch lẫn nhà kinh tế đo lường hiệu quả hoạt động của nền kinh tế với mức lạm phát được bao gồm trong tính toán, mang đến tính toán chính xác và đáng tin cậy hơn để sử dụng làm cơ sở cho các quyết định trong tương lai khi giao dịch hay soạn thảo chính sách tiền tệ.
Tỷ lệ Thất nghiệp
Tỷ lệ thất nghiệp được tính theo tỷ lệ phần trăm trong một nền kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp thấp thường là kết quả của việc chính phủ đưa ra những quyết định tuyệt vời có ảnh hưởng tích cực đến thị trường việc làm, chẳng hạn như cung cấp các khóa học miễn phí hay hỗ trợ để mọi người nắm được các kỹ năng cần thiết để có việc làm ổn định.
Ngoài ra chỉ số này cũng có thể bị ảnh hưởng bởi mức độ đầu tư vào nền kinh tế (chẳng hạn như khi một doanh nghiệp nước ngoài vào nước này và bắt đầu tạo việc làm).
Tương tự như thế thông số này còn có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do thiếu hụt các yếu tố đã nêu. Tỷ lệ này cũng có thể ảnh hưởng đến các thành tố khác của nền kinh tế.
Ví dụ, nếu tỷ lệ thất nghiệp cao, người dân có khả năng sẽ phụ thuộc vào các khoản trợ cấp từ phía nhà nước, hoặc có thể trở thành người vô gia cư, và kết quả là chi tiêu của người tiêu dùng có thể sụt giảm vì có ít người hơn trong nền kinh tế có khả năng tiêu nhiều tiền và về cơ bản là "bơm" tiền trở lại nền kinh tế.
Tương tự như vậy, vì phúc lợi thường đến từ ngân sách chính phủ hoặc thông qua tiền của người đóng thuế, nên nếu có quá nhiều người yêu cầu nhận trợ cấp thì cũng có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế, vì có nhiều người đòi hỏi tiền bạc hơn và có ít người tiêu tiền hơn vì họ không kiếm được thu nhập thông qua việc làm.
Công bố Dữ liệu Kinh tế định kỳ (Lịch Kinh tế)
Lịch Forex hay lịch dữ liệu kinh tế mang đến cho nhà giao dịch tất cả các ngày giờ cụ thể công bố dữ liệu kinh tế lớn sắp tới. Lịch kinh tế này cung cấp số liệu về thời gian, đơn vị tiền tệ, sự kiện được đề cập và tâm lý thị trường liên quan đến những số liệu được chờ đợi (cả tích cực lẫn tiêu cực).
Đây là một công cụ rất cần thiết cho nhà giao dịch, giúp cung cấp thông tin liên quan trực tiếp đến các khoản đầu tư của họ.
Bảng Lương Phi Nông nghiệp Hoa Kỳ (NFP)
Số liệu NFP đo lường lượng việc làm mới của nền kinh tế, loại trừ nhân viên của các trang trại, chính phủ, nhân viên trong các hộ gia đình tư nhân và nhân viên công ty phi lợi nhuận.
Chỉ số NFP được công bố vào thứ Sáu đầu tiên mỗi tháng. Đây là chỉ số rất quan trọng đối với nhà giao dịch ngoại hối. Lý giải điều này là do về mặt lịch sử và tựu chung lại bất kỳ thay đổi lớn nào ở chỉ số này đều có xu hướng đi kèm với những thay đổi về GDP, và vì NFP được công bố thường xuyên hơn nên thông số này có thể mang đến chỉ dấu ngắn hạn về xu hướng mà GDP có khả năng hướng tới (trước khi con số chính xác được công bố).
Chỉ số Sản xuất Công nghiệp (IPI)
IPI đo lường tổng sản lượng hàng hóa vật chất đã sản xuất ở Hoa Kỳ. Số liệu này đo lường các ngành sản xuất, chế phẩm khí đốt, khai thác mỏ và điện. Các nhà giao dịch có xu hướng theo dõi chặt chẽ chỉ số kinh tế này, vì nó liên quan đến kết quả hoạt động của nền kinh tế (tiêu chí hàng hóa được sản xuất). Chỉ số này cũng có thể được sử dụng như một chỉ báo khác để dự đoán xu hướng GDP trong tương lai.
Dữ liệu ngành Bán lẻ
Chỉ số dữ liệu kinh tế này còn được gọi là "Doanh số dự báo hàng tháng ngành thương mại bán lẻ" theo như tên trên báo cáo chính thức của nó. Số liệu này không tính gộp lạm phát vào con số cuối cùng mà phô bày một cách đơn giản doanh số bán lẻ theo tỷ lệ phần trăm trên từng tháng.
Doanh số bán lẻ cao hơn rõ ràng sẽ cho thấy nền kinh tế đang có "sức khỏe" tốt và đang tăng trưởng theo chiều hướng tích cực.